Kiều hối đổ về Tp.HCM sẽ tăng theo bất động sản?
Theo dự báo của Ngân hàng nhà nước (NHNN), lượng kiều hối chuyển về địa bàn Tp.HCM trong năm 2016 sẽ tăng hơn so với mức 5,5 tỉ USD trong năm 2015.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN chi nhánh Tp.HCM, cho biết trong 2 tháng đầu năm nay lượng kiều hối chuyển về địa bàn Tp.HCM ước đạt khoảng 900 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2015 con số này có sự tăng nhẹ.
Ông Minh cho rằng, với tình hình thị trường địa ốc đang ấm lên và lãi suất huy động đang tăng, dự báo lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM trong năm 2016 sẽ tăng cao hơn so với mức 5,5 tỉ USD của năm 2015.
Trong khi đó, một số công ty kiều hối cũng tiết lộ sẽ đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi để thu hút thêm dòng kiều hối.
Ông Trần Văn Trung - giám đốc Công ty kiều hối Đông Á cũng nhận xét, chắc chắn lượng kiều hối sẽ đổ về nhiều hơn cùng với sự phục hồi của thị trường BĐS. Hiện tại các nước như Mỹ, Úc, Canada vẫn là thị trường kiều hối truyền thống lớn nhất của Việt Nam. Tiếp theo là các thị trường xuất khẩu lao động như Malaysia, Đài Loan và vài năm trở lại đây là thị trường Nhật.
Cùng ngày, tại buổi đưa vào hoạt động hệ thống kho bãi rộng 13.000m2 ở Tp.HCM và 5.000m2 tại Hà Nội, ông Gerald Glauerdt, giám đốc điều hành Lazada Việt Nam, đánh giá việc phát triển kho bãi tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của thị trường này, đồng thời ông cũng khẳng định Lazada sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống này tại Đà Nẵng.
Ngày 9/3 vừa qua, phát biểu tại Hội nghị triển vọng đầu tư 2016 - sự trở lại của BĐS tổ chức tại Tp.HCM ngày 9-3, bà Nguyễn Thị Hồng - phó thống đốc NHNN cũng khẳng định, dự thảo thông tư 36 chỉ nhằm phát đi tín hiệu cảnh báo đối với các tổ chức tín dụng về những rủi ro tiềm ẩn do hiện tượng dư nợ tín dụng trung - dài hạn đang tăng nhanh, trong khi phần lớn vốn huy động là ngắn hạn.
Theo bà Hồng, dự thảo hiện vẫn đang tập trung lấy ý kiến góp ý, còn lộ trình áp dụng cụ thể để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hệ thống tín dụng hoạt động hiệu quả là điều mà NHNN sẽ tiếp tục cân nhắc. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cảnh báo từ phía NHNN, còn việc quyết định chọn doanh nghiệp nào, dự án nào để cho vay thuộc về các ngân hàng thương mại.
Trước đó không lâu, trong một thông cáo báo chí liên quan đến dự thảo thông tư 36, NHNN cũng đưa ra khẳng định: dòng vốn tín dụng vào thị trường địa ốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Cụ thể, NHNN cho rằng, tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung - dài hạn bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng tại thời điểm cuối năm 2015 vẫn ở mức 31%.
Trường hợp giảm tỉ lệ này từ 60% như hiện nay còn 40% theo như đề xuất trong dự thảo thông tư 36 thì các tổ chức tín dụng vẫn còn có khả năng cấp thêm 540.000 tỉ đồng vốn trung - dài hạn cho toàn bộ nền kinh tế, trong đó có BĐS.
Ngoài ra, NHNN cũng đánh giá, việc điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% nếu có ảnh hưởng cũng không đáng kể đến tỉ lệ an toàn vốn.
Với tỉ lệ an toàn vốn bình quân của toàn hệ thống đến cuối năm ngoái là 13% thì các tổ chức tín dụng vẫn có khả năng cho vay kinh doanh BĐS sản khoảng 650.000 tỉ đồng vốn bổ sung.
(Theo Tuổi trẻ online)